Cảnh báo viên nước giặt trông giống kẹo gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ

Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa cảnh báo về việc viên nước giặt đang được bán tràn lan tại thị trường Việt Nam có thể gây nguy hiểm cho trẻ em.

Viên nước giặt có thể gây nguy hiểm cho trẻ em

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, gần đây, tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam xuất hiện sản phẩm nước giặt dạng viên thay cho nước giặt/bột giặt truyền thống. Sản phẩm này được cho là rất tiện lợi và hiệu quả bởi mỗi viên tương ứng với 1 lần giặt, người tiêu dùng không phải đong đếm nước giặt cho mỗi lần giặt quần áo. Sản phẩm này đang ngày càng được nhiều gia đình sử dụng.

Viên nước giặt, cảnh báo, nguy hiểm cho trẻ em
Viên nước giặt có thể gây nguy hiểm cho trẻ em.

Tuy nhiên, viên nước giặt nhìn rất hấp dẫn đối với trẻ em, nếu không sử dụng và bảo quản một cách an toàn sẽ dẫn đến nguy hiểm nghiêm trọng.

Về mặt cảm quan, có thể thấy viên nước giặt khá giống các loại bánh, kẹo dành cho trẻ em: kích cỡ nhỏ – trẻ 3 tuổi có thể nắm gọn trong lòng bàn tay, màu sắc sặc sỡ, được đóng gói trong núi nilon trong suốt, căng tròn… Vì thế, trẻ em rất dễ nhầm lẫn đây là bánh kẹo và có nguy cơ trẻ sẽ cắn, nuốt nếu không có sự trông chừng của người lớn.

Việc trẻ em nhầm lẫn nước giặt viên với bánh kẹo đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD) đã từng triển khai Chiến dịch Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về nước giặt dạng viên.

Theo đó, OECD cho rằng trẻ em không phân biệt được nước giặt viên và bánh kẹo, vì thế, người lớn phải chủ động giữ viên nước giặt khỏi tầm nhìn và tầm với của trẻ em. Ngoài ra, OECD còn yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải tuân thủ và chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến tính an toàn sản phẩm, đồng thời tuyên truyền về việc sử dụng an toàn viên nước giặt.

“Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh nước giặt chưa chính thức phân phối sản phẩm này tại Việt Nam. Người tiêu dùng chủ yếu mua qua kênh hàng xách tay, hàng nhập ngoại. Vì thế, việc nâng cao an toàn sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào người tiêu dùng. Trong trường hợp trẻ vô tình tiếp xúc với sản phẩm qua đường miệng hoặc qua da, cần sơ cứu và nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời” – Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo.

Hà Linh
Theo ANTĐ

- Advertisement -
- Advertisement -
Mới nhất

Có thể bạn sẽ thích: