Mẹo giúp bé ngủ ngon suốt đêm

Thói quen ngủ lành mạnh sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với sự phát triển của bé. Ngay từ tuần thứ 6, bố mẹ đã có thể bắt đầu đưa giấc ngủ của bé vào một quỹ đạo cố định và giúp con ngủ một giấc dài hơi hơn
Có rất nhiều phương pháp tập ngủ khác nhau, tất cả đều nhằm mục đích củng cố giấc ngủ của trẻ sơ sinh, giúp bé ngủ ngon giấc và ít thức vào ban đêm hơn. Mỗi phương pháp sẽ có một cách “vận hành” khác nhau và đem lại hiệu quả khác nhau.

1. Luyện ngủ không nước mắt

Nhìn chung, phương pháp này sẽ giúp mẹ hạn chế tối đa việc bé khóc lóc trong quá trình tập ngủ thẳng giấc. Ban đầu, bố mẹ vẫn giữ nguyên việc dỗ con ngủ, nhưng dần dần giảm dần vai trò của mình, để bé tự “ru ngủ” nhiều hơn cho đến khi bé có thể tự ngủ. Ví dụ, nếu mỗi đêm mẹ phải bế và đung đưa bé, hãy cắt giảm dần thời gian dỗ ngủ cho đến khi mẹ chỉ cần đung đưa vài phút là bé đã ngủ. Nhược điểm của phương pháp này là bố mẹ sẽ mất khá nhiều thời gian và phải rất kiên nhẫn để thành công.

Việc tập cho con tự ngủ và ngủ xuyên đêm rất cần thiết trong trường hợp bố mẹ cho bé ngủ riêng từ sớm.

2. Luyện ngủ kiểu “bế lên – đặt xuống”

Đây cũng là một phương pháp nhẹ nhàng, giảm mức độ khóc lóc của bé. Khi bé đang buồn ngủ và tỏ ra hơi cáu kỉnh trong nôi, bạn hãy bế bé lên, dỗ dành, làm cho bé trấn tĩnh lại và sau đó đặt bé trở lại trong nôi. Nếu bé lại tiếp tục quấy khóc, hãy đợi một chút rồi lại bế bé lên, dỗ bé đến khi bé thấy thoải mái trở lại và đặt bé vào nôi. Lặp lại quy trình này cho đến khi bé ngủ. Phương pháp này cũng đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn của bố mẹ. Tuy nhiên, nó mang đến sự gắn kết tuyệt vời giữa bố mẹ và bé.

3. Phương pháp “chiếc ghế”

Nếu bạn áp dụng phương pháp này thì bé sẽ khóc nhiều hơn hai cách đầu tiên. Khi bé buồn ngủ, bạn hãy đặt một chiếc ghế gần nôi của bé và ngồi ở đó. Mục đích không phải là để giúp bé bình tĩnh hay ngủ nhanh hơn. Việc bạn ngồi trên ghế, ngay gần nôi chỉ là để cho bé biết rằng “bố/mẹ đang ở đây với con!”. Mỗi đêm, hãy dời chiếc ghế ra xa dần, xa dần cho đến khi bạn không cần có mặt ở đó mà bé vẫn ngủ ngon lành.

Phương pháp này cũng đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, khi mà bạn ở đó khi bé đang mè nheo nhưng không đáp ứng mà chỉ quan sát. Ngoài ra, mức độ thành công cũng phụ thuộc vào tính cách của bé. Tuy vậy, đây vẫn là một lựa chọn tốt cho những bố mẹ không thành công với các phương pháp tập ngủ khác, đồng thời cũng không muốn để con khóc một mình trong phòng.

4. Phương pháp để bé khóc có kết hợp trông chừng

Khác với phương pháp để mặc bé khóc, bố mẹ có thể thăm bé vài lần trong đêm. Tuy bé vẫn khóc rất nhiều, giữa những chu kỳ ngủ – dậy khóc, bố mẹ có thể ở đó để trông chừng bé. Lưu ý, việc bạn có mặt trong phòng lúc này không phải là để dỗ dành hay bế bé lên. Việc tự xoa dịu bản thân và tự ngủ là những gì bé phải tự học. Những gì bố mẹ có thể làm cho bé là giúp bé nhận biết bố mẹ đang ở bên mình, đưa ra những lời dỗ dành bé trong khoảng 2-3 phút. Cùng với thời gian, hãy giảm dần số lần đến thăm bé mỗi đêm, đồng thời giảm bớt việc dỗ dành bé. Chẳng hạn, trong đêm đầu tiên, cứ 10 phút bạn lại vào thăm bé; Đêm thứ 2, mỗi 15 phút; Đêm thứ 3, mỗi 20 phút và giãn dần cho đến khi bạn hầu như không còn phải vào thăm bé nữa.

5. Phương pháp để bé khóc

Đây là cách luyện ngủ rất phổ biến và được nhiều bố mẹ lựa chọn. Việc tiến hành phương pháp này khá đơn giản: Đặt bé vào noi khi bé còn thức, sau đó rời đi và không quay lại để trông chừng bé, để bé khóc đến lúc đủ mệt và ngủ thiếp đi. Trước khi tiến hành phương pháp này, bạn nên xem xét đến yếu tố tính cách của bé, ước lượng xem bé có thể khóc trong bao lâu và liệu điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe của bé hay không. Trong hầu hết các trường hợp, sau vài ngày bé sẽ giảm dần thời gian khóc và học được cách tự đưa mình vào giấc ngủ.

Không có một mẫu số chung cho giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Vì vậy, phương pháp luyện ngủ này có thể sẽ thành công với bé này nhưng lại thất bại với bé khác. Hãy tham khảo kỹ những nguyên tắc cần thiết để thành công, đồng thời tham khảo thêm kinh nghiệm của những ông bố, bà mẹ khác trước khi áp dụng. Nếu không thành công, bạn có thể thử lại khi bé lớn hơn một chút, hoặc đổi phương pháp khác. Quan trọng nhất là lựa chọn này khiến bạn thoải mái, đồng thời vẫn tôn trọng đặc điểm tính cách riêng của con bạn.

Theo MarryBaby

- Advertisement -
- Advertisement -
Mới nhất

Có thể bạn sẽ thích: