Vì sao con không nghe lời?

 Nói dối bé

Mẹ Huyền Nhi (Q.8, TP.HCM) chia sẻ câu chuyện của mình: “Bé Soda nhà mình không thích đi nhà trẻ. Hầu như ngày nào hai mẹ con cũng dằng dai rất lâu trước khi mình đưa được bé đến trường. Một hôm, mình chỉ qua một chỗ ở gần nhà và dọa bé rằng đó là nhà của bà phù thủy, một nhân vật mà con rất sợ. Thế là, nhiệm vụ đưa con đến nhà trẻ hoàn thành tốt đẹp. Nhưng chỉ vài ngày sau, bé không dám đi ngang qua ngôi nhà đó và bảo với mọi người rằng đó là nhà của bà phù thủy. Mình đã rất bối rối khi phải giải thích với hàng xóm và nhất là chủ nhân của ngôi nhà!”

Cách tốt hơn: Mẹ hãy thành thật và tỏ ra thông cảm với bé. “Mẹ biết là có lúc con không muốn đi nhà trẻ. Mẹ cũng vậy đấy, có khi chẳng muốn đi làm tí nào cả”. Sự cảm thông thậm chí sẽ giúp xoa dịu cảm xúc cho cả hai.

Chỉ dọa bé mà không thực hiện biện pháp can ngăn

Hình phạt đôi khi cần thiết để bé nhận biết được các giới hạn. Mẹ Ngọc Ánh (Q.12, TP.HCM) kể lại một câu chuyện nhỏ khiến chị phải lưu ý về việc dùng hình phạt với con. “Tôi cho con trai mình sang nhà bác họ chơi. Trong lúc nhóc Sonic con tôi chơi với anh họ của nó, tôi ngồi chuyện trò với người bà con của mình. Được một lúc, thằng bé bắt đầu la khóc và mách rằng anh họ giành hết đồ chơi của nó. Chị họ tôi chỉ ngồi đó quát con mau trả đồ chơi cho em nếu không sẽ bị phạt rồi lại tiếp tục nói chuyện. Kết quả, không có gì xảy ra, Sonic vẫn tiếp tục bị giành đồ chơi và thằng bé đã không muốn đến đó chơi thêm một lần nào nữa”.

Làm một ông bố hay bà mẹ nghiêm khắc thật không dễ dàng và vui vẻ tí nào. Thế nhưng, các hình phạt vẫn cần được thi hành khi cần thiết. Việc lặp đi lặp lại rằng con phải dừng hành động xấu nếu không mẹ sẽ phạt con sẽ không mang lại tác dụng như ý. Thay vì vậy, hãy hành động ngay nếu bé tiếp tục không nghe lời. Chẳng hạn, khi cậu bé tiếp tục tranh đồ chơi của em, mẹ cần dừng cuộc chơi ngay và có thể yêu cầu bé dọn đồ chơi, xin lỗi em hoặc đứng dựa tường và không được chơi hay làm gì trong vòng 30 phút.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

“Khi tôi và chồng cho 2 con đi ăn nhà hàng, chúng tôi đã ra điều kiện rằng 2 bé không được nghịch phá đồ đạc trong nhà hàng, nếu không thì cả nhà sẽ ra về ngay lập tức. Thật không may là chồng tôi lại là một ông bố dễ mềm lòng và rất nuông chiều con, thế là bữa đi ăn trở thành một thảm họa”

Câu chuyện trên của chị Vân Nhi (Q.2, TP.HCM) cho thấy tầm quan trọng của sự thống nhất trong cách dạy con. Với mục tiêu dạy con ngoan, cả hai vợ chồng phải có chung cách nhìn và mục tiêu. Bố mẹ và những người lớn trong gia đình nên ngồi với nhau để thống nhất các quy tắc sẽ được áp dụng cho bé.

Chính bản thân bố mẹ không tuân theo quy tắc

Bố mẹ bé An Bình (Tây Hồ, HN) yêu cầu bé không được để đồ chơi lung tung trong nhà. Nhưng bởi bố bé có thói quen để đồ đạc bừa bãi, lời yêu cầu của bố mẹ đã không được thực hiện.

Ai cũng biết rằng trẻ nhỏ rất hay bắt chước, và một khi chính bố mẹ không thực hiện được những quy tắc mình đặt ra thì quy tắc đó sẽ trở nên vô dụng trong mắt bé.

Tự tạo ra sự trao đổi bất lợi

Chị Phương Hoài (Hoàn Kiếm, HN) có một kinh nghiệm nhớ đời: “Bé Xuxu nhà tôi rất lười ăn, chỉ hảo ngọt thôi. Một lần, tôi bảo con hãy ăn hết món cơm gà rồi mẹ sẽ cho con ăn bánh bông lan. Kết quả, con đã chịu ăn hết cơm. Nhưng đến bữa ăn tiếp theo và cho đến tận bây giờ, bé vẫn thường xuyên mè nheo rằng mình phải được ăn kem, ăn sôcôla thì mới chịu ăn hết đồ ăn chính trong mỗi bữa”.

Thực ra, cách làm này không sai nếu mẹ làm cho con thấy rằng những nỗ lực của bé tốt cho chính bản thân bé chứ không phải chỉ vì phần thưởng, đồng thời hướng con đến những mục tiêu thực sự lớn. Đối với những khó khăn trong việc dạy con ngoan, bố mẹ không nên dễ dàng thỏa hiệp mà cần kiên nhẫn hướng đến mục tiêu lâu dài.

Mất bình tĩnh

Mẹ Hồng Dương (Hải Châu, Đà Nẵng) có một cu cậu kháu khỉnh và rất ư nghịch ngợm. Và đôi khi, cô không tránh khỏi nổi nóng với cậu bé. “Vào những lúc mình hét to hay phát vào mông con, cậu bé rất tức giận và càng tỏ ra bướng bỉnh hơn”.

Nuôi dạy trẻ nhỏ là việc làm đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn. Nếu mẹ cảm thấy mất kiểm soát, tốt nhất là nên rời đi một lúc. Sau khi đã “hạ nhiệt” thì hãy lựa lời thủ thỉ với bé. Mẹ cũng nên hành động dứt khoát ngay sau khi đưa ra cảnh báo để tránh làm cho hành động của bé leo thang, càng khiến mẹ cảm thấy bực nhiều hơn.

Trì hoãn các án phạt

Thùy Vân, một bà mẹ 2 con ở TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Hai bé Tít và Mít nhà mình rất hiếu động và việc phải chịu phạt diễn ra rất thường xuyên. Nếu mình nói hai con ngừng cãi nhau khi xem phim nếu không sẽ tắt TV thì chỉ cần 2 phút sau, nếu cuộc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt thì mình sẽ tắt TV ngay. Cách này luôn khiến hai bé chú ý và vâng lời bố mẹ”.

Đúng như kinh nghiệm này, bạn luôn phải đưa ra hành động nhanh chóng. Nếu bé phạm lỗi vào buổi sáng sớm và mẹ bảo rằng sẽ cấm con xem hoạt hình vào buổi tối, chắc chắn bé sẽ không chịu dừng lại. Bởi trẻ nhỏ thường không nhớ lâu đến thế. Chỉ sau 1 giờ là các con đã quên khuấy những việc mình vừa làm trước đó rồi.

Giải thích dài dòng

Mẹ Hải Anh (Thủ Đức, TP.HCM) là người đã “kinh” qua sai lầm này: “Khi phạt con vì không chào bà nội, tôi dành cả giờ đồng hồ để giải thích nào là vì sao phải chào hỏi người lớn, truyền thống ở Việt Nam là như thế nào và kết quả là bé không thể hiểu tại sao lại bị phạt”.

Quả thực, đừng nên suy nghĩ rằng trẻ con là những người lớn thu nhỏ. Nhận thức của bé còn rất non nớt và những câu như: “Không ăn đồ ngọt” hay “Lên giường đi ngủ ngay nào” sẽ có hiệu lực hơn những lời văn hoa lê thê rất nhiều.

Theo MarryBaby

Mới nhất

Có thể bạn sẽ thích: