Đạm Phương Nữ Sử là người khá đặc biệt trong giới trí thức đầu thế kỉ 20, một gương mặt nữ hiếm hoi trên văn đàn. “Giáo dục nhi đồng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện tư tưởng tiến bộ, hiện đại, thậm chí đi trước thời đại của bà về những vấn đề liên quan đến giáo dục, phụ nữ và trẻ em.
Lần đầu xuất bản năm 1942 tại Nhà in Lê Cường, “Giáo dục nhi đồng” trình bày những quan điểm sâu sắc của tác giả về tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành của trẻ nhỏ, xa hơn là đối với sự cường thịnh của một dân tộc.
Cuốn sách trước hết là kết tinh từ những kinh nghiệm nuôi dạy con của tác giả, một bà mẹ có những đứa con thành đạt, với sự đề cao gia phong nền nếp và tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong gia đình Việt.
Bên cạnh đó, tác giả còn tổng hợp và chọn lọc những phương pháp giáo dục hiện đại của phương Tây sao cho phù hợp với điều kiện và thói quen của người Việt.
Bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây những phương pháp giáo dục mà hiện nay vẫn được áp dụng, nói đến, thậm chí là xu hướng đương đại: Phương pháp Montessori, phương pháp Froebel…
Cuốn sách gồm bốn phần: Phần 1 – Tập dưỡng và Giáo dục; Phần 2 – Đức dục; Phần 3 – Trí dục; Phần 4 – Thể dục. Trong mỗi phần, tác giả đều diễn giải chi tiết và cụ thể những nội dung cơ bản, quan trọng trong giáo dục nhi đồng, đề cao môi trường gia đình, thói quen, việc tập dưỡng hàng ngày và trách nhiệm của người cha, người mẹ.
Đạm Phương Nữ Sử cho rằng: Uốn một cây cảnh long, lân, quy, phượng chỉ cần một sự dụng công tiểu xảo. Tập luyện một con thú trong rạp xiếc, người chủ chỉ cần một chút ân và uy, tay cầm chiếc roi da, tay cầm miếng đường, thế là đủ lắm rồi.
Đến như giáo dục một con người, dầu con người ấy còn trẻ thơ, vẫn là một công trình rất tinh vi và vĩ đại. Vì thể chất và tâm hồn của trẻ con linh động và phát triển vô cùng. Nhà giáo dục phải luôn luôn thăm dò, theo dõi sự linh động và phát triển ấy, để gieo những mầm mống đạo đức và ngăn đón sửa trị điều lầm lỗi.
Lại còn phải mở mang trí thức và gây dựng nghị lực để đưa đường chỉ nẻo cho sự phát triển của tài ba.
Tác giả dẫn chứng những mô hình giáo dục trên thế giới, với đầy đủ những nét đặc trưng, tích cực và tiến bộ. Phương pháp giáo dục của Freobel – nhà bác học người Đức coi trọng các hoạt động trò chơi cho trẻ; Phương pháp Montessori hướng trẻ làm những việc mà trẻ có thể làm được. Sự rút lui để có sức mà vượt tới một cách mạnh và nhanh là một sự khôn khéo của giáo dục Montessori.
Giữa hàng loạt phương pháp dạy con của mẹ Mĩ, mẹ Nhật, mẹ Do Thái đang thịnh hành… thì cuốn sách “Giáo dục nhi đồng” của Đạm Phương Nữ Sử đem đến một niềm tin chân chính và mãnh liệt cho những cha mẹ Việt – người thầy đầu tiên của con trẻ, những người đang làm công tác giáo dục rằng: đây là phương pháp của người Việt, phù hợp với người Việt và dành cho người Việt.
“Giáo dục nhi đồng” của Đạm Phương Nữ Sử mang đến một không khí chia sẻ chuyện trò đầy ân tình và trách nhiệm về câu chuyện giáo dục trẻ em. Dù cách xa gần 80 năm, nhưng vấn đề giáo dục nhi đồng từ tuổi 0-6 được đề cập trong tác phẩm vẫn đầy sức cuốn hút và thuyết phục, mang đầy đủ tính thời sự và gần như còn nguyên giá trị.
Lời văn dễ hiểu, chia đoạn mạch lạc, minh họa giản dị mà đậm chất văn hóa Việt. Cuốn sách là cẩm nang quan trọng của cha mẹ trong những năm đầu đời nuôi dạy trẻ, cũng là lời nhắc nhở khéo léo các bậc cha mẹ nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách, năng lực, trí tuệ của mỗi đứa trẻ.