Bức thư đầy xúc động của một cô giáo dạy trẻ trước vấn nạn bạo hành trẻ em khiến nhiều người suy ngẫm

Là một cô giáo dạy trẻ với thâm niên gần 20 năm, chưa bao giờ tôi cảm thấy xót xa thế này cho nghề nghiệp của mình. Buồn không phải vì lương thấp hay công việc quá nặng nhọc mà buồn khi thấy nhiều người ngày càng ác cảm với công việc của mình. Kể từ ngày những vụ bạo hành trẻ nhỏ được lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi- Những người  đang làm công việc này đã phải chịu rất nhiều áp lực. Thậm chí mỗi khi có ai hỏi chúng tôi làm nghề gì, nhiều người đã không ngần ngại bày tỏ sự ai ngại. Và điều đó khiến chúng tôi cảm thấy tổn thương vô cùng.

tâm sự của cô giáo dạy trẻ

Người nào làm người đó chịu, không phải bất kỳ cô giáo nào cũng đánh đập trẻ nhỏ. Nói không phải ngay thì những ai đã làm công việc chăm sóc trẻ trong độ tuổi lớp mầm, mẫu giáo cũng đều không thể nào có thể ác tâm đánh đập chúng. Trẻ nhỏ rất đáng yêu, chỉ ngoại trừ một số người cá biệt, còn đại đa số đều như thế.

Nếu như có dịp ngồi ăn cơm với chúng tôi và cùng lắng nghe những câu chuyện mà chúng tôi kể cho nhau, tin chắc rằng mọi người sẽ có thể hiểu được chúng tôi yêu thương những đứa trẻ mà chúng tôi chăm sóc thế nào. Trong mỗi bữa cơm, mọi chủ đề đều gần như xoay quanh những câu chuyện trời ơi đất hỡi của các cô cậu nhóc.

Bản thân tôi ngay cả khi đã về nhà, cùng ăn cơm với gia đình hay nói chuyện với bạn bè thì những câu chuyện bao giờ cũng có sự liên quan đến những đứa trẻ mà chúng tôi trông nom. Tôi có thể hiểu được lý do vì sao mà có một số người lại nhẫn tâm đánh đập các bé vì biếng ăn, hay khóc,…v…v.. đơn giản vì tôi cũng là một người trong nghề, hiểu được sự căng thẳng của công việc là như thế nào. Hãy tưởng tượng xem, nếu như ở nhà bạn cho một đứa trẻ ăn, nếu bé biếng ăn ngậm mãi vẫn không nuốt bạn sẽ mệt mỏi bực mình đến mức nào. Huống chi ở tại lớp, mỗi cô giáo phải chăm sóc khoảng 7-8 đứa. Và mỗi lớp chỉ có khoảng 2 cô.Không chỉ việc cho ăn, mà chăm sóc chúng cũng khá vất vả. Có những bé bò khắp nơi, thậm chí có bé biếng ăn, vừa thấy chén cháo đã khóc la vì thói quen ép ăn của cha mẹ tại nhà,…. Những cô giáo này có thể vì thiếu sự kiên nhẫn và bị stress quá mức nên đã nảy sinh ra những hành động tàn nhẫn như truyền thông đưa tin. Đứng ở khía cạnh giáo viên, tôi nhận định rằng sở dĩ xuất hiện tình trạng này một phần vì quá ít người khó có thể quản lý được hết các bé dẫn đến việc căng thẳng trên, và thứ hai đó là do những người không được đào tào một cách khoa học, bài bản, và sau cùng là thiếu lòng yêu nghề.

Một người yêu công việc chăm trẻ, có khi bạn không biết rõ bé của mình có lên cân hay không nhưng họ có thể biết được bởi việc quan sát trẻ mỗi ngày. Thậm chí tính cách mỗi bé, chúng thích gì ghét gì và thói quen ra sao họ cũng đều năm rõ và giao tiếp với chúng hiệu quả.

Một người bạn của tôi kể rằng ở lớp cô ấy có một đứa trẻ rất đáng yêu, vì nó thích cô ấy nên xà nạnh, khi thấy cô  ấy nói chuyện với bé khác, không nói chuyện với nó thì nó giận, muốn gây sự chú ý, nên lấy tay đánh đánh , hay khều vào người cô. Cô ấy biết nhưng giả vờ vẫn nói chuyện với bé khác để chọc cậu bé ấy. Thế là cậu nhóc trèo luôn lên vai lên đầu bám chặt không buông. Và có hàng tá câu chuyện như thế mỗi ngày. Bạn đau khổ vật vã thế nào khi dụ dỗ con bạn ăn thì chúng tôi cũng vất vả như thế không kém. Phải tìm mọi cách để dụ các bé. Trưa nào ăn cơm truyền bí kíp cho nhau. Nếu nói rằng công việc này quá nhiều tiền để chúng tôi theo đuổi thì chắc chắn là không phải, vì lương của chúng tôi không quá cao thậm chí là thấp, có chăng là làm một thời gian điều duy nhất khiến chúng tôi không bỏ nghề, kiên trì theo đuổi chính là lòng quyến luyến những gương mặt ngây ngô này.

Nhưng giờ đứng trước sự sợ hãi e ngại của mọi người, sự sợ hãi của nhiều bậc phụ huynh, trước sự ngờ vực của họ, lòng kiên trì của chúng tôi đã bị suy giảm rất nhiều. Không ít các đồng nghiệp của tôi chia sẻ rằng họ muốn bỏ nghề để chuyển sang nghề khác. Chúng tôi còn vậy, huống chi những ngôi trường chẳng may có những cô giáo gây ra những vụ việc trên thì còn khổ hơn. Trường đóng, họ thì thất nghiệp, dù họ chẳng có phạm bất cứ lỗi nào nhưng ai cũng xem họ như là tội phạm.

Tôi nghĩ rằng để tránh các trường hợp tương tự như trên xảy ra, các trường học nên có khóa đào tạo rèn luyện kỹ năng chăm sóc trẻ thường xuyên, và có lắp camera theo dõi mỗi ngày . Tạo điều kiện cho các thầy cô giáo có thể có thêm thời gian để trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn. Và nhất là nên hạn chế tuyển những cô giáo nhỏ tuổi< 23 mà chỉ nên tuyển những người đã có gia đình hoặc lớn tuổi. Vì khi ấy họ sẽ thường kiên nhẫn hơn và biết cách chăm sóc hiểu tâm lý trẻ nhỏ hơn. Việc sàng lọc người cũng rất quan trọng, nên chọn người yêu trẻ hoặc ít nhất là đã hoàn thành khóa học mầm non, không nên tuyển người tay ngang đổi ngành chưa có bằng đã vào làm chờ bổ túc.

Điều sau cùng tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng, đừng vì một vài cá thể biệt lập mà đánh giá nó thành một tập thể. Đừng chỉ vì một số người ít ỏi mà đánh mất lòng tin ở chúng tôi. Chính nhờ sự tin cậy này mà bao năm chúng tôi vẫn luôn tự hào và kiên trì với nghề nghiệp của mình, nó là nguồn động viên rất lớn về tinh thần. Bên cạnh những gì tiêu cực không bao giờ thiếu vắng những gì tích cực.

Không phủ nhận rằng mạng xã hội, truyền thông mang đến sự cập nhật thông tin cho tất cả mọi người. Nhưng hiện tại có không ít người lợi dụng chúng để đạt được mục đích của mình, thường xuyên truyền những thông tin tiêu cực, cố ý thổi phồng nó lên chỉ đến nhiều người vào xem phục vụ cho các nhu cầu riêng tư chứ không còn chỉ đơn thuần là chia sẻ thông tin. Nếu như những trường hợp báo chí đưa tin chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ, thì trên mạng xã hội tệ nạn đánh trẻ nhỏ đã được thổi phồng thành một nạn dịch. Nhiều người copy cả clip nước ngoài về để câu người xem, kết quả là khiến cho không ít người hiểu nhầm là tình trạng này rất nhiều, phổ biến. Hãy thật tỉnh táo trong việc tiếp cận thông tin, và đừng bao giờ đánh mất lòng tin của mình vào những điều tốt đẹp của cuộc sống.

Mới nhất

Có thể bạn sẽ thích: